in english
tiếng việt
suomeksi


Sử thi là một hiện tượng đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian nói chung cũng như trong văn học nói riêng. Sử thi miệng đã lưu giữ quá khứ thần thoại hàng trăm, có thể hàng nghìn năm của các dân tộc. Trong nhiều nền văn hóa, sử thi đã đem lại cho các dân tộc và các tộc người bản sắc riêng của họ. Từ nguồn cảm hứng lấy từ sử thi, nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thuộc các loại hình âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc... đã ra đời. Các sử thi được tái tạo lại dưới dạng văn bản đã thống nhất các bộ lạc thành dân tộc. Và trong nhiều trường hợp những sử thi này đã góp phần quan trọng vào sự hình thành các nhà nước thuần nhất.

Trong một thời gian dài sử thi được phân thành hai loại: sử thi miệng được hát kể, và sử thi viết. Tuy nhiên, gần đây ngành nghiên cứu so sánh sử thi đã đưa vào sử dụng một thể loại mới. Đó là sử thi truyền thống. Hiện nay sử thi miệng vẫn còn tồn tại, nhất là ở Đông Nam Á và châu Phi. Aeneid của Vergilius, Thiên đường đánh mất (Paradise lost) của John Milton là những sử thi viết tiêu biểu. Gilgameš (Sumer), Ilias và Odysseia (Hy Lạp), Edda (Iceland), Niebelungienlied (Đức), La Chanson de Roland (Pháp), El Cid (Tây Ban Nha), Mahābhārata (Ấn Độ) và Kalêvala của người Phần Lan và người Karêlia là những sử thi truyền thống. Được xếp vào cùng loại này còn có sử thi Việt Nam Con cháu Mon Mân. Không phải ngẫu nhiên mà hai sử thi được nhắc đến cuối cùng này được xếp vào cùng thể loại. Bùi Việt Hoa, tác giả của sử thi Việt Nam, là người dịch sử thi Kalêvala ra tiếng Việt. Trong quá trình dịch, tác giả đã làm quen và tìm hiểu kỹ các phương pháp cũng như quá trình Elias Lönnrot sáng tạo nên sử thi Kalêvala, tác phẩm cổ điển của văn học thế giới, cách đây hơn một trăm năm mươi năm.

Sử thi truyền thống có thể tồn tại, và thay đổi giống như khi nghệ nhân dân gian thay đổi các sử thi miệng của mình qua mỗi một lần diễn xướng. Các tác giả của sử thi truyền thống có thể được xếp ngang hàng với các nghệ nhân dân gian, những người có trong trí nhớ của mình vốn tri thức dân gian tự sự phong phú. Có điều, nguồn tư liệu của tác giả lớn hơn nhiều, và họ sử dụng nguồn đó - bằng chữ viết - rất sáng tạo, giống như nghệ nhân đã làm với nguồn tri thức dân gian của họ. Rất có khả năng Con cháu Mon Mân cũng sẽ có một bản văn mới. Hy vọng trong tương lai không xa phiên bản dành cho thiếu nhi của sử thi này cũng sẽ đến với bạn đọc.

Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi có nền văn học dân gian cổ sơ, và nền văn học đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chính vì vậy ở nơi đây, khả năng sáng tạo nên sử thi truyền thống dựa trên nguồn văn học truyền miệng giàu có và vốn thần thoại là rất lớn.