in english
tiếng việt
suomeksi


Quỹ Juminkeko chịu trách nhiệm trong việc thực hiện dự án Sử thi Việt Nam. Mục tiêu chính của dự án là khảo sát tiến trình ra đời của Kalêvala và vận dụng kết quả nghiên cứu sử thi này để biên soạn sử thi Việt Nam, một sử thi tập tuyển nguồn tư liệu văn học dân gian, cũng như nguồn sử thi miệng còn sống động của các dân tộc Việt Nam.

Công trình bắt đầu được triển khai từ năm 2002. Nhóm công trình bao gồm tiến sĩ Bùi Việt Hoa làm việc phần lớn thời gian tại Phần Lan; tiến sĩ Võ Xuân Quế chịu trách nhiệm sưu tầm tư liệu, nhân danh và địa danh trong tác phẩm cũng như việc chú giải mục từ; họa sĩ Đặng Thu Hương chịu trách nhiệm minh họa tác phẩm. Nhóm công trình cũng có các cuộc sưu tầm điền dã tại Việt Nam.


Nhóm tư vấn Phần Lan tham gia công trình có giáo sư Pekka Laaksonen, nguyên là viện trưởng Viện lưu trữ văn họa dân gian Phần Lan trong gần một phần tư thế kỷ, và chủ tịch Quỹ Juminkeko, nhà văn Markku Nieminen. Tác giả của sử thi cũng nhận được sự giúp đỡ cần thiết và quan trọng của Hội Kalêvala Phần Lan, Viện lưu trữ văn học dân gian thuộc Hội Văn học Phần Lan và Viện Kalêvala.

Công trình sử thi là dự án hợp tác phát triển của Bộ ngoại giao Phần Lan kết hợp với tổ chức phi chính phủ, trong đó nguồn kinh phí chính do Bộ Ngoại giao cung cấp. Quỹ Juminkeko chịu trách nhiệm về các nguồn phụ chi khác. Công trình kéo đài từ năm 2002 đến hết năm 2008, khi sử thi Việt Nam được hoàn thành và xuất bản tại Việt Nam. Quỹ Juminkeko đã chi trả kinh phí một trong bảy năm của dự án. Tham gia dự án về phía Việt Nam có Viện văn học Việt Nam và Nhóm Những người bạn Kalêvala Việt Nam.

Việc minh họa sử thi được bắt đầu từ năm 2004, khi họa sĩ Đặng Thu Hương nhận được những phác thảo nội dung đầu tiên về mạch truyện của sử thi.

Con cháu Mon Mân của Bùi Việt Hoa ra đời dựa trên các sử thi của các dân tộc Việt Nam đã từng được sưu tầm và xuất bản, nguồn văn học dân gian tự sự còn sống động trong dân gian cũng như các tư liệu văn hóa, văn học dân gian khác. Sử thi của các dân tộc ít người ở Việt Nam được bắt đầu sưu tầm từ những năm 1930 và đã được dịch ra tiếng Việt. Cho đến nay hơn 100 sử thi đã được xuất bản. Đó là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng trong quá trình sáng tạo Con cháu Mon Mân. Ngoài ra, nguồn tư liệu mới được Bùi Việt Hoa và Võ Xuân Quế sưu tầm trong các chuyến điền dã năm 2004 tại Việt Nam cũng được cân nhắc và sử dụng vào sử thi.

Sử thi Việt Nam được chia làm hai phần. Phần thần thoại kể về sự ra đời của thế giới, của cây lúa và con trâu v.v. những điều vô cùng thiết yếu đối với cuộc sống của người Việt Nam. Phần thứ hai của sử thi là anh hùng ca, kể về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của thế hệ con cháu của đôi vợ chồng thần thoại, về những người anh hùng qua bao gian khó hiểm nguy, với sự trợ giúp của cây đàn thần kỳ đã chiến thắng được kẻ thù chung, đưa lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân cả ba miền huyền thoại.

Sử thi Việt Nam đã được hoàn thành với mong muốn mọi người dân của các dân tộc trên đất nước Việt nam đều tìm được ở trong đó những điều thân thuộc, của riêng mình. Chính vì vậy bên cạnh mục tiêu tập tuyển các giá trị văn học truyền miệng của các dân tộc, dự án muốn bảo tồn và đề cao vai trò và vị thế của các dân tộc thiểu số trong xã hội Việt Nam. Bản sắc văn hóa chung của các dân tộc Việt Nam càng được nhấn mạnh thông qua sử thi. Là một tác phẩm văn học, Con cháu Mon Mân có thể được dịch ra tiếng nước ngoài, và thông qua đó tăng cường sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam. Sử thi này cũng đưa ra một cách tiếp cận mới và các phương pháp mới cho ngành nghiên cứu sử thi ở Việt Nam.

Hãy nhấn vào đây để nghe các bài dân ca Việt Nam:
Nghệ nhân H’mông Song Y Co Nghệ nhân người Thái, Hà Văn Công NGhệ nhân Bùi Văn Lựng (Mường) hát kể ca khúc Đẻ người

Dự án sử thi Việt Nam đã chỉ ra những điểm hội tụ bất ngờ của các nền văn hóa của các dân tộc ở những nơi khác nhau trên trái đất. Tại những điểm gặp gỡ đó chúng ta có thể áp dụng những thời khắc vàng, quá khứ của một nền văn hóa – dù đó có thể chỉ là huyền thoại – vào thời điểm hiện tại của các nền văn hóa khác. Các điều kiện lịch sử đã có đủ trong trường hợp sử thi Việt Nam, khi đã có những người nguyện làm cầu nối giữa các nền văn hóa bất chấp không gian và thời gian. Kết quả của dự án hợp tác dựa trên Kalêvala cũng sẽ có những phản hồi tích cực vào đời sống văn hóa của Phần Lan sau khi công trình hoàn thành. Trong trường hợp tốt nhất, dự án sẽ làm nảy sinh ra sự quan tâm chú ý tới nền văn hóa – những nền văn hóa hàng nghìn năm của Việt Nam, và các dân tộc sống trên đất nước này.

Con cháu Mon Mân được Quỹ Juminkeko và Nhà xuất bản Văn học Việt Nam hợp tác xuất bản. Công ty Alphabooks Việt Nam (www.alphabooks.vn) chịu trách nhiệm phát hành sách trên cả nước.

Quỹ Juminkeko đã trao tặng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam 700 cuốn sử thi để đưa sách vào thư viện tỉnh thành và huyện trên cả nước. Bộ giáo dục Việt Nam cũng được tặng 300 cuốn để đưa vào thư viện của các trường học.