in english
tiếng việt
suomeksi


”Thuở hoang sơ, giữa cõi hỗn mang, trời và đất vẫn còn là một. Trận cuồng phong nổi lên, cuốn đất thành đất, cuốn nước thành nước. Một quả si xé gió lao xuống. Si lớn nhanh, cành lá sum suê. Si mọc cao, trời tách dần khỏi đất. Bao cành si đều quay tít, vươn xa. Tán cây thành bầu trời mênh mông. Cành bạc thành mặt trăng, các vì sao, cành lớn thành mường trời. Cành càng quay nên núi nên đồi, mỗi cành thành một vùng rộng lớn. Gió thổi làm đổ cây si trời. Dạ Dần sinh ra từ gốc cây bật rễ.”


Sử thi Con cháu Mon Mân được xây dựng dựa trên các chủ đề và mô típ của kho tàng thần thoại và văn học truyền miệng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Tác giả đã hợp nhất và lắp ghép thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, thơ ca dân gian của các dân tộc vào cốt truyện do mình sáng tạo nên. Sự khác biệt về văn hóa được diễn giải qua cách nhìn sự kiện của các nhân vật chính, đại diện cho các dân tộc riêng biệt.

Ngôn ngữ của sử thi là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam: Tiếng Việt.

Sử thi là một tác phẩm thơ. (Trong văn học truyền miệng sử thi của một dân tộc được hát kể bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, theo nhịp điệu riêng. Khi được dịch ra tiếng Việt, hình thức thể hiện của sử thi là thơ tự do hoặc văn xuôi.) Tác giả của sử thi đã chọn thể thất ngôn truyền thống trong thơ Việt để thơ hóa tư liệu văn học dân gian mà mình sử dụng.

Các phương pháp được sử dụng trong tiến trình ra đời của Kalêvala đã được áp dụng để sáng tạo nên sử thi Con cháu Mon Mân. Theo phương thức sử dụng tư liệu văn học dân gian, sử thi Việt Nam gợi người ta nhớ đến các tác phẩm Kalevipoeg của Estonia hay Mastorava của người Mordvin, những sử thi cũng được kết nối theo hình mẫu của Kalêvala. 20 – 30% trong số hơn 16 nghìn câu thơ của sử thi Việt Nam là do tác giả sáng tác.

Sử thi Việt Nam được chia làm hai phần. Phần thần thoại kể về sự ra đời của thế giới, của cây lúa và con trâu v.v. những điều vô cùng thiết yếu đối với cuộc sống của người Việt Nam. Phần thứ hai của sử thi là anh hùng ca, kể về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của thế hệ con cháu của đôi vợ chồng thần thoại, về những người anh hùng qua bao gian khó hiểm nguy, với sự trợ giúp của cây đàn thần kỳ đã chiến thắng được kẻ thù chung của dân cả ba miền.

Các ca khúc đầu của phần thần thoại kể về Mon và Mân, tổ tiên của loài người sau này. Tên tiếng Phần Lan của sử thi có thể dịch là Dòng dõi Mon Mân.

Phần thần thoại của sử thi miêu tả sự ra đời của vũ trụ, con người sinh ra từ trứng, nạn hồng thủy, quả bí thần kỳ, cây vũ trụ và cả những việc kiến tạo vũ trụ của các thần linh khởi tổ. Các thần thoại này kể về những hiện tượng thiên nhiên của Việt Nam, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam và khởi nguồn của các tập tục này. Phần thần thoại bao gồm cả các ca khúc miêu tả quá trình canh tác lúa, thuần dưỡng trâu cày, xin lửa, và rất nhiều các thần thoại khác. Trong phần thần thoại này vai trò của thần linh là vô cùng quan trọng. Các vị thần liên tục hiện diện và tác động đến số phận của con người – một cách cố tình hoặc vô tình vì đã ”quên thân phận” thần linh của chính mình.

Trong phần anh hùng ca của sử thi, thần linh đã lùi về phía sau, nhường chỗ cho con người hành động. Tuy nhiên con người ở đây nhiều lúc vẫn phải dựa vào sự giúp đỡ của thần linh. Phần anh hùng ca kể về ba dân tộc khác nhau, về mối quan hệ tương hỗ của họ thông qua những cuộc phiêu lưu của các nhân vật chính. Ngay cả phần anh hùng ca này cũng có nhiều mô típ huyền thoại, những bài ca lễ nghi và trữ tình. Và tất nhiên anh hùng ca ở đây cũng không thể thiếu những cuộc giao chiến và các âm mưu. Trong phần cuối của sử thi cả ba dân tộc cùng đoàn kết chống kẻ thù chung. Cả hai phần của sử thi đều bao gồm các chủ đề chung của nhân loại: sự ra đời, cái chết, tình yêu, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác...

Các nhân vật chính của Con cháu Mon Mân là đàn ông. Người phụ nữ trong sử thi này chỉ có vai trò phụ, vai trò của người chịu đựng. Tuy nhiên họ cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung, mạch chảy của sử thi.